Phim Truyện BTV

Quốc hội thảo luận dự án Luật Thủy lợi

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 QH khóa 14, sáng 8/6, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về Dự án Luật Thủy Lợi.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 QH khóa 14, sáng nay, tại hội trường Diên Hồng, QH họp phiên toàn thể thảo luận về Dự án Luật Thủy Lợi. Đây là Dự án Luật được nâng lên từ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, nhằm tập trung giải quyết các vấn đề bất cập chủ yếu trong việc thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. 

Đa số ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật Thủy lợi là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thủy lợi, khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời phục vụ tốt cho quá trình sản xuất của các địa phương trong thời gian tới.

Cho ý kiến về quy định điều tra cơ bản thủy lợi, các đại biểu cho rằng, việc đề xuất công tác điều tra cơ bản thủy lợi được thực hiện hàng năm sẽ rất tốn kém, đại biểu đề nghị cần quy định 2 hoặc 3 năm thực hiện một lần, thậm chí là 5 năm để tránh gây lãng phí. Đồng thời đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về nội dung và phạm vi điều tra đối với Bộ NN - PTNT, UBND cấp tỉnh.

Đóng góp về quy định tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi,  ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần phân rõ từng đối tượng sử dụng nước. Theo đó, đối với doanh nghiệp có thể tạo được thu nhập hàng trăm triệu đồng trên một hecta, thì việc khuyến khích xã hội hoá hạ tầng thủy lợi và tính theo giá thị trường là phù hợp. Nhưng đối với nông dân thì cần tạo điều kiện để các yếu tố đầu vào thấp, để người nông dân có lợi nhuận trong sản xuất. Để nâng cao ý thức người dân sử dụng nước tiết kiệm, thì Bộ NN - PTNT cần tính toán khối lượng sử dụng nước phù hợp từng nhóm cây trồng. Luật căn cứ vào đó để thu giá dịch vụ thủy lợi đối với hộ sử dụng vượt mức quy định.

Về hành vi nghiêm cấm, ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung điều cấm tự ý vận hành công trình. Về nguyên tắc định giá, căn cứ định giá, đại biểu đồng tình với dự thảo luật, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cần phân biệt rõ hơn đối với từng đối tượng sử dụng nước và tuân thủ theo luật đầu tư xây dựng cơ bản.

Dự thảo Luật Thủy lợi gồm có 8 Chương, 67 Điều dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×