Thời sự Bình Dương

Nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp an toàn

Năm 2017 là năm thứ 2 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chọn là năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tạo chuyển biến biến mạnh mẽ về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Để đảm bảo an toàn thực

Năm 2017 là năm thứ 2 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chọn là năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tạo chuyển biến biến mạnh mẽ về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Để đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương luôn quan tâm hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng.

Hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, qua học hỏi, nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, ông Nguyễn Văn Cường ở xã An Bình, huyện Phú Giáo mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng dưa lưới trong nhà kính. Từ diện tích 500mđầu tư lúc ban đầu vào cuối năm 2015, đến nay, gia đình đã mở rộng diện tích nhà kính trồng dưa lưới lên 7.000m2. Quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm nhân công, quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Dưa lưới cho thu hoạch sau 70 ngày. Hiện nay, mỗi tháng ông thu hoạch từ 7-10 tấn dưa lưới cung cấp cho thị trường. Dưa lưới được đầu tư ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo sản phẩm an toàn. Với giá bán bình quân 30.000đ/kg, sau khi trừ chi phí ông còn lời trên 1 tỷ đồng/năm.

Trong chăn nuôi heo, thức ăn chiếm 70-80% chi phí đầu tư. Do đó, việc sử dụng nguồn thức ăn hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu dưỡng chất cho heo, vừa bảo đảm chi phí thấp nhất nhằm đem lại lợi nhuận cao luôn là điều nông dân quan tâm. Nhận thấy lợi thế này, ông Trần Văn Phú ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo đã thay đổi phương thức chăn nuôi. Ông chuyển từ nuôi heo sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp sang phương thức tự chế biến thức ăn ủ men vi sinh hoạt tính để dùng cho chăn nuôi. Việc sử dụng thức ăn ủ men sinh học đã được gia đình áp dụng cho trang trại có quy mô 60 heo nái và 600 heo thịt. Sử dụng thức ăn bằng ủ men đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ đặc tính thức ăn lên men giúp heo dễ tiêu hóa, tỷ lệ hấp thu cao, hạn chế bệnh, tăng sức đề kháng cho heo. Heo sinh trưởng nhanh, tăng trọng cao, cải thiện chất lượng sản phẩm thịt, hạn chế mùi hôi, góp phần bảo vệ môi trường. So với phương thức nuôi heo bằng thức ăn hỗn hợp công nghiệp thì sử dụng thức ăn tự chế biến và ủ men sinh học đã giảm chi phí đầu tư 20-30%.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2016-2020. Bình Dương phấn đấu tăng giá trị ngành nông nghiệp bình quân 2,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Với việc khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sẽ thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới, tạo bước đi bền vững cho ngành nông nghiệp Bình Dương.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×